Viện Hàn Lâm Khoa Học Quân Sự Trung Quốc

Viện Hàn Lâm Khoa Học Quân Sự Trung Quốc

Sáng ngày 26/11/2024, Đoàn đại biểu Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã thành kính dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 26/11/2024, Đoàn đại biểu Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã thành kính dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA CỘNG ĐỒNG ASEAN VÀ SỰ CHUẨN BỊ CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM

Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 đánh dấu một mốc quan trọng của ASEAN nhằm hoàn thành các mục tiêu của một khu vực có chung “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.  Môi trường và tính cộng đồng của ASEAN tạo nhiều cơ hội và thách thức cho thanh niên ASEAN nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng, yêu cầu thanh niên phải có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, khoa học để làm hành trang cho mình trong hành trình hội nhập. Bài viết khái quát về những cơ hội và thách thức Cộng đồng ASEAN đặt ra đối với thanh niên Việt Nam; trình bày một số chuẩn bị của thanh niên Việt Nam đối với việc gia nhập Cộng đồng ASEAN.

1. Cộng đồng ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với thanh niên Việt Nam

Thanh niên Việt Nam là một tầng lớp xã hội đặc thù, chiếm số đông trong dân số cả nước. Theo quy định của Luật Thanh niên, thanh niên có độ tuổi từ 16 đến 30. Thanh niên Việt Nam có mặt ở tất cả giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ tri thức. Thanh niên Việt Nam có quan hệ mật thiết với các tầng lớp trong xã hội, thanh niên có mặt trên tất các lĩnh vực, các ngành, từ địa phương lên Trung ương. Thanh niên Việt Nam có vị trí và vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước, trong phát triển kinh tế - xã hội, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn hiện đại và là chủ thể của tương lai. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên trong sự nhiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Quan điểm của Đảng luôn xác định, thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người của Đảng. Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) chỉ rõ: "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng"[1]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TW khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nêu: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”[2].

Cộng đồng ASEAN được xây dựng vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới một mái nhà chung, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Để hiện thực hóa điều này, các quốc gia ASEAN đã đề ra những mục tiêu, biện pháp cụ thể, thiết thực trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời phát huy vai trò, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, trong đó thanh niên được đánh giá là một phần không thể thiếu. Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập cộng đồng ASEAN nói riêng tạo cho thanh niên nhiều cơ hội và thách thức.

1.1. Cơ hội của thanh niên Việt Nam khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng ASEAN

Hội nhập Cộng đồng ASEAN là điều kiện tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khu vực nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng có nhiều cơ hội. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ về cơ hội của thanh niên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng “Cơ hội lớn nhất mà thanh niên Việt Nam sẽ và phải tận dụng được khi gia nhập vào cộng đồng ASEAN chính là môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực”[3]. Môi trường và tính cộng đồng của ASEAN sẽ ngày càng tăng theo nghĩa là về mặt kinh tế, ASEAN sẽ cố gắng phấn đấu có được một cơ sở sản xuất chung, thị trường chung, tạo ra thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Môi trường và tính cộng đồng của ASEAN sẽ tạo ra cho thanh niên khu vực nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội như cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp, việc làm …

Cơ hội học tập, Cộng đồng ASEAN cùng mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, cung ứng dịch vụ giáo dục sẽ được mở rộng cho thanh niên Việt Nam ngay tại Việt Nam hay tại các nước trong khu vực. Đó là cơ hội cho thanh niên rèn luyện sự tự tin, sự kiên trì và khả năng vượt khó để hướng đến thành công. Học tập tại nước ngoài (các nước khu vực ASEAN) giúp thanh niên có điều kiện trau dồi kiến thức chuyên môn, tự tin tham gia vào thị trường lao động với trình độ ngoại ngữ tốt, chuyên môn vững, kinh nghiệm làm việc quốc tế và kỹ năng ứng xử linh hoạt. Đặc biệt, thanh niên được tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, học được cách ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn nên việc lĩnh hội kiến thức được sâu và cụ thể hơn. Có thể nói, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, thanh niên Việt Nam sẽ có cơ hội học tập trong các môi trường giáo dục phát triển của các nước trong ASEAN, đồng thời cũng làm thúc đẩy thanh niên tạo dựng tinh thần tự học tập, nâng cao trình độ tay nghề, và đặc biệt là ngoại ngữ.

Cơ hội nghề nghiệp, việc làm: Một thỏa thuận trong Cộng đồng ASEAN tác động trực tiếp tới thanh niên có trình độ là 8 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp hiện nay được tự do dịch chuyển giữa các quốc gia là: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Như vậy, thanh niên Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lớn hơn để tìm kiếm các công việc tại Cộng đồng ASEAN và ngược lại. Cơ hội làm việc sẽ rộng mở hơn đối với thanh niên, không bị bó hẹp tìm việc làm trong nước mà có thể tự do tìm kiếm và làm việc tại các nước thành viên. Thanh niên từ các nước thành viên ASEAN sang làm việc ở Việt Nam sẽ đơn giản hơn và ngược lại thanh niên Việt Nam sang các nước ASEAN làm việc cũng vậy. Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, để nâng cao trình độ, khả năng của thanh niên, một số trường đại học, cao đẳng và trường nghề đang tập trung vào mục tiêu đào tạo theo các tiêu chí mà thị trường ASEAN yêu cầu. Cụ thể như ở mảng đào tạo nghề đang có sự chuyển động mạnh mẽ để hướng tới sự hội nhập Cộng đồng ASEAN, PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Từ nay đến năm 2020 sẽ có 30 nghề cấp độ ASEAN được đào tạo. Bằng cấp sẽ được công nhận trong khu vực và trên thế giới. Học các chương trình này, lao động Việt Nam sẽ có đủ năng lực để làm việc bất cứ quốc gia nào trong khu vực”.[4]

1.2. Một số thách thức đối với thanh niên Việt Nam khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng ASEAN

Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập vào Cộng đồng ASEAN, thanh niên Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức có thể kể đến như:

- Quá trình hội nhập tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của thanh niên. Mặt khác, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế kéo theo sự chuyển dịch lao động trẻ, cơ cấu xã hội, nghề nghiệp của thanh niên. Số thanh niên từ nông thôn ra thành phố, các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế, thanh niên lao động tự do, thanh niên thiếu việc làm, thu nhập không ổn định vẫn ngày càng có chiều hướng gia tăng.

- Dưới sự tác động của hội nhập, những sản phẩm độc hại phi văn hóa bằng nhiều con đường, nhất là qua internet, các phương tiện truyền thông sẽ tác động trực tiếp liên tục với cường độ cao đến lối sống, nếp sống của thanh niên, tạo sức ép, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho việc bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc trong giới trẻ.

- Sự gia tăng của các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, tội phạm nguy hiểm, côn đồ, hung hãn, băng nhóm… chưa được ngăn chặn hiệu quả; môi trường xã hội chưa lành mạnh; sức khoẻ sinh sản, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong thanh niên sẽ còn diễn biến phức tạp, ở mức báo động... đã, đang và sẽ tác động xấu đến thanh niên.

Cùng với những thách thức từ bên ngoài, những thách thức tự thân cũng đặt ra cho thanh niên trong quá trình hội nhập. Thách thức đầu tiên là trình độ thanh niên Việt Nam còn yếu so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy năng suất lao động của thanh niên Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của thanh niên Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan[5]. Thứ hai, ngoại ngữ thách thức của thanh niên Việt Nam. Trình độ tiếng Anh của thanh niên Việt Nam còn thấp và rất ít thanh niên học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Bên cạnh những hạn chế về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận thanh niên nhìn chung còn thấp. Thanh niên Việt Nam nhận thức về học nghề, chọn nghề, định hướng nghề nghiệp còn nhiều lệch lạc, việc làm và thu nhập thấp vẫn đang là những vấn đề bức xúc; ngôn ngữ giao tiếp, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế của các nước chưa nhiều; chất lượng tay nghề còn thấp và còn khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Sức khoẻ và thể chất của thanh niên Việt Nam còn thấp hơn các nước trên thế giới rất nhiều, bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ trong thanh niên thiếu ý thức rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn… Bối cảnh trong nước và khu vực ASEAN không chỉ đem đến cơ hội, thuận lợi và thời cơ mà còn đem đến nhiều khó khăn và thách thức đối với thanh niên. Điều cơ bản là mỗi thanh niên cần có đủ bản lĩnh, ý chí, trình độ để phát huy thuận lợi, tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Điều đó chỉ có được khi mỗi thanh niên biết phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện, có đủ tâm, đủ tầm để tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động tham gia vào nền kinh tế tri thức và quá trình hội nhập quốc tế.

2. Sự chuẩn bị của thanh niên Việt Nam đối với việc gia nhập Cộng đồng ASEAN

2.1. Thanh niên Việt Nam tăng cường nhận thức chính trị, tích cực xã hội

Những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước trong công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho thanh niên thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thanh niên tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng.

Việc thanh niên nhận thức rõ hơn về bối cảnh, tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, sẽ giúp thanh niên có chí hướng rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bộ phận thanh niên tiên tiến có quyết tâm cao, hoài bão lớn và luôn phấn đấu cống hiến cho đất nước ngày càng đông đảo. Nhận thức chính trị của thanh niên được tăng cường, là động lực tinh thần quan trọng để phát huy tính xung kích, tinh thần tình nguyện của đa số thanh niên Việt Nam trong thời gian tới. Tỷ lệ thanh niên tích cực phấn đấu gia nhập tổ chức Đoàn, Đảng có xu hướng tăng. Tính tích cực xã hội của thanh niên được tăng thêm và thể hiện rõ trong các phong trào thanh niên do Đoàn phát động. Thanh niên tiếp tục tham gia ngày càng đông đảo vào các hoạt động tình nguyện đến những nơi gian khổ, khó khăn, những vùng xa xôi, các hoạt động xã hội nhân đạo giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… Cùng với đó, lối sống thanh niên tiếp tục được cải thiện theo hướng hiện đại và phù hợp với tác phong lao động công nghiệp, văn minh đô thị. Phần đông thanh niên giữ được những nét tốt đẹp trong lối sống, quan tâm và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc dân tộc. Thanh niên có hiểu biết về các nội dung hội nhập quốc tế tốt hơn và có khả năng vận dụng cơ hội này, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quốc tế thanh niên trong khu vực và trên thế giới.

2.2. Thanh niên Việt Nam chọn lọc, tiếp thu và phát huy văn hóa dân tộc

Văn hóa luôn biến đổi, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và tồn tại dưới các hình thức như: các công trình kiến trúc, vật dụng, ẩm thực, ngôn ngữ, tập quán, âm nhạc…. Bản sắc văn hóa dân tộc là sắc thái gốc, là những đường nét, màu sắc riêng biệt không thể trộn lẫn của một nền văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc làm nên cốt lõi vững chắc giúp cho nền văn hóa luôn giữ được tính duy nhất, tính nhất quán trong quá trình phát triển. Mỗi cá nhân với tư cách là một chủ thể sáng tạo văn hóa luôn thống nhất cái riêng của bản thân mình và cái chung của dân tộc. Vì vậy, bản sắc văn hóa dân tộc luôn chứa đựng đồng thời tính nhân loại, tính khu vực và tính dân tộc. Hội nhập vào cộng đồng ASEAN, nhiều nét mới trong giá trị vǎn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành. Thanh niên tiếp thu nhanh những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và luôn luôn hướng về cội nguồn; Bên cạnh đó tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp… Trước những tác động hai mặt đó, trong quá trình hội nhập vào cộng đồng ASEAN, thanh niên Việt Nam chủ động lựa chọn, tiếp thu và phát huy những mặt tích cực, nhận biết và ngăn chặn, đẩy lùi những mặt tiêu cực của nền văn hóa bên ngoài. Những giá trị, nét đẹp của văn hóa dân tộc được lưu truyền, được thế giới biết đến khi thanh niên tìm hiểu, học tập và giới thiệu với bạn bè quốc tế.

2.3. Thanh niên Việt Nam nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN

Cộng đồng ASEAN, ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, là sự kiện trọng đại và là dấu mốc quan trọng trong quá trình hợp tác phát triển của 10 nước thành viên ASEAN. Trước những thời cơ thuận lợi và những thách thức mới khi đất nước ta gia nhập cộng đồng ASEAN và hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân mỗi người thanh niên nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước, nhận thức được khó khăn lớn nhất của mình trong giai đoạn này là sự cạnh tranh quyết liệt về trí tuệ để đạt tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như trình độ quản lý để không lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mỗi một thanh niên cần nhận thức và ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng ASEAN, tích cực tự học tập, tự rèn luyện và tự nghiên cứu để nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi bản lĩnh chính trị, giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ… của các nước trong khu vực để chủ động nâng cao năng lực hội nhập. Đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của thanh niên, của tổ chức Đoàn các cấp để cùng đất nước gặt hái được nhiều thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năm 2016 và những năm tiếp theo. Để thanh niên nhận thức đầy đủ hơn về Cộng đồng ASEAN, trên khắp cả nước, các cấp bộ Đoàn – Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, khơi dậy tinh thần học tập, rèn luyện:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế cho thanh niên: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện tạo ra những cơ hội để cho mọi công dân có thể mở rộng sự giao lưu và tìm kiếm cơ hội phát triển. Đối với  thanh niên Việt Nam, điều này càng trở nên quan trọng hơn bởi tuổi trẻ luôn năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, nhanh nhạy nên có nhiều hơn các cơ hội để giao lưu, học tập. Song, hội nhập quốc tế cũng đã và đang đặt ra cho thanh niên Việt Nam nhiều thách thức lớn. Nhận thức rõ về những thuận lợi và thách thức đối với thanh niên khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng ASEAN, các cấp bộ Đoàn – Hội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế cho đoàn viên thanh niên; khuyến khích thanh niên học ngoại ngữ, tăng cường đào tạo kỹ năng về hội nhập.

Thứ hai, Tổ chức các hoạt động truyền thông: Chỉ trong năm 2015, rất nhiều chương trình, hoạt động đã được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước. Tiêu biểu có thể kể đến như Ngày cộng đồng ASEAN, Cộng đồng ASEAN – Bản sắc văn hóa (tháng 9/2015), Hướng đến Cộng đồng ASEAN năm 2015 (tháng 10/2015), Thanh niên Bình Thuận nhận thức về cộng đồng ASEAN (Bình Thuận, tháng 10/2015), Thanh niên Thủ đô với cộng đồng ASEAN và hợp tác kinh tế xuyên thái bình dương TPP (Hà Nội, tháng 12/2015) … Đây là các chương trình, hoạt động thiết thực góp phần nâng cao hiểu biết của đoàn viên thanh niên về sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa của các nước ASEAN.

Thứ ba, tạo điều kiện để thanh niên có cơ hội tham gia các hoạt động giao lưu, diễn đàn quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều thanh niên được cử đi tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại các nước khu vực Đông Nam Á, giao lưu quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, thanh niên Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn quốc tế như: Chương trình Trại hè Thanh niên sinh viên ASEAN 2014 từ ngày 21 đến 27/7/2014 tại campus Kalasin, tỉnh Kalasin, Thái Lan; Chương trình Trại hè Thanh niên Quốc tế được tổ chức tại Trường Đại học Kỹ thuật Rajamangala Isan (RMUTI), tỉnh Sakon Nakhon, Thái Lan từ ngày 19/7/2015 đến ngày 25/7/2015. Diễn đàn thanh niên ASEAN 2015 với chủ đề “Cộng đồng ASEAN - Bản sắc văn hóa” diễn ra từ ngày 18/9 tại Tp. Hồ Chí Minh… Thông qua các diễn đàn, giao lưu quốc tế, thanh niên Việt Nam tìm hiểu phương pháp học tập của thanh niên nước ngoài, chia sẻ những vấn đề thời sự mà thanh niên quốc tế quan tâm, qua đó rèn khả năng phản biện . Cùng với việc cử thanh niên tham gia các hoạt động giao lưu, diễn đàn hợp tác quốc tế, thời gian qua, Đoàn – Hội các cấp đã kịp thời nắm bắt thông tin, định hướng chỉ đạo các hoạt động giao lưu hữu nghị, đối ngoại thanh niên đã mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được tổ chức nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu với các nước ASEAN với các nội dung chính như: giao lưu văn hóa văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm công tác trên các lĩnh vực, triển lãm văn hóa - nơi các đại biểu thanh niên được trao cơ hội quảng bá nền văn hóa nước nhà,  giới thiệu việc làm, học bổng du học nước ngoài, mở ra cơ hội nghề nghiệp và học tập nâng cao trình độ cho thanh niên. Đặc biệt, Đoàn – Hội các cấp đã kết nối hỗ trợ, định hướng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện cộng đồng; phối hợp với các tổ chức tình nguyện quốc tế trong tổ chức các hoạt động tình nguyện trong cả nước. Song song đó, các cấp Đoàn – Hội phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới, sáng tạo các hoạt động huấn luyện kỹ năng, nhằm nâng cao khả năng thích ứng, kỹ năng hội nhập cho thanh niên…

2.4. Thanh niên Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập trong Cộng đồng ASEAN

Ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng ASEAN để chủ động nâng cao năng lực hội nhập, thanh niên Việt Nam tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ... của các nước trong khu vực nhằm tự xây dựng các lợi thế về kỹ năng ngoại ngữ, chất lượng hàng hóa cạnh tranh, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phân công lao động có hiệu quả…

Thứ nhất, nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học: Ngoại ngữ và tin học là hai nhân tố có vai trò rất lớn trong việc quyết định hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng. Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông nhất trên thế giới, Đông Nam Á và cũng là ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam. Phần lớn các công ty khi tuyển dụng đều yêu cầu trình độ Anh ngữ từ phía ứng viên. Chính vì vậy, thông thạo tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn cho việc xin việc làm cũng như nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp từ sự hội nhập toàn cầu. Từ nhận thức đó, mỗi thanh niên Việt Nam rèn luyện tiếng Anh. Để chuẩn bị cho hội nhập, thanh niên Việt nam theo học tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ từ sớm. Trong nhà trường, chương trình giáo dục trong các bậc học cũng coi trọng tiếng Anh, tăng thời lượng môn học tiếng Anh. Hình thức dạy và học tiếng Anh đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Nhiều đề án nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các bạn thanh niên, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học viện. Các cơ sở Đoàn, cơ sở xã hội tổ chức nhiều sân chơi học thuật về mặt ngoại ngữ, hình thành nhiều các câu lạc bộ đội, nhóm để có thể sinh hoạt tiếng Anh thường xuyên hoặc là có những môi trường rèn luyện tiếng Anh thường xuyên cho các bạn Đoàn viên, thanh niên tại đơn vị của mình. Ngoài ra, các hội Sinh viên cũng có liên kết với các đơn vị doanh nghiệp tổ chức đánh giá, kiểm tra trình độ tiếng Anh của các bạn cán bộ Hội, sinh viên. Bằng sự cố gắng của bản thân và những hoạt động tổ chức, hỗ trợ của các cấp Đoàn, Hội… thanh niên Việt Nam nâng cao khả năng ngoại ngữ, chuẩn bị cho quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Cùng với ngoại ngữ, tin học cũng là một kỹ năng thanh niên Việt Nam chuẩn bị cho quá trình hội nhập. Sử dụng máy tính, các phần mềm văn phòng, sử dụng internet thành thạo sẽ là điều kiện để thanh niên ứng tuyển xin việc. Và không chỉ để xin việc, sử dụng máy tính và internet thành thạo sẽ là một công cụ hữu hiệu phục vụ không chỉ cho công việc mà cho cả cuộc sống hàng ngày. Với việc mở rộng phổ cập tin học và sự phổ biến của máy tính, với kết quả cái cách giáo dục, trình độ ngoại ngữ và tin học của thanh niên được nâng cao hơn.

Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn: Cùng với ngoại ngữ và tin học, thanh niên Việt Nam ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và tay nghề để có thể hội nhập một cách dễ dàng. Thực hiện cuộc vận động xây dựng xã hội học tập và chủ trương khuyến học nên quy mô giáo dục và đào tạo của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Thanh niên Việt Nam có nhiều cơ hội để học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp. Giai đoạn 2010 – 2015, tỷ lệ thanh niên vào học trong các trường ngoài công lập tăng về số lượng và chất lượng được cải thiện đáng kể. Thanh niên nhận thức hơn về quyền và nghĩa vụ học tập, vào học ở các ngành nghề đáp ứng dần với thị trường lao động trong nước và quốc tế. Thanh niên có quan điểm thực tế đối với việc chọn bậc học. Do đó, tỷ lệ thanh niên đăng ký theo học các trường nghề và các trường trung học chuyên nghiệp tăng lên đáng kể. Thanh niên mong muốn được học theo hình thức liên thông (từ trường nghề và trung học chuyên nghiệp liên thông lên cao đẳng, đại học). Dù theo học bất cứ môi trường nào, thanh niên Việt Nam đều luôn cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Người thanh niên công nhân rèn luyện trình độ kỹ thuật, tay nghề, có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần giảm những chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp, cho xã hội. Thanh niên vùng nông thôn có khả năng nắm bắt kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, sản lượng đối với cây trồng vật nuôi. Đối với thanh niên là học sinh - sinh viên, trí thức, đó là những người học tập giỏi, có nhiều sáng kiến, phát minh khoa học, có những công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn. Có một chuyên môn nhất định, một tay nghề vững vàng được coi là điều kiện cơ bản để thanh niên có thể tự tin trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của hội nhập kinh tế thế giới với tính kỷ luật và cường độ lao động cao. Thanh niên nhận thức đầy đủ hơn và tham gia tích cực hơn vào xây dựng xã hội và học tập; nhiều thanh niên thực hiện phương châm: ở đâu, làm gì, thời gian nào cũng học tập, học tập thường xuyên, suốt đời. Số thanh niên đi du học ở nước ngoài tăng nhanh, nhất là thanh niên đi du học tự túc, số thanh niên tự tìm kiếm học bổng đi du học nước ngoài tăng lên đáng kể. Khả năng trí tuệ, năng lực tự chủ và tính năng động của thanh niên Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Khả năng thích ứng của thanh niên Việt Nam đối với đòi hỏi của sự cạnh tranh về nhân lực trong điều kiện kinh tế thị trường tốt hơn. Một bộ phận thanh niên có năng lực, phẩm chất có điều kiện vươn lên, xuất hiện nhiều tài năng trẻ, đặc biệt trong các ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn của nền kinh tế, trong kinh doanh và quản lý. Trình độ học vấn, khoa học, công nghệ, chuyên môn, nghề nghiệp của thanh niên được nâng lên là một yếu tố quan trọng giúp cho thanh niên đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong khi hội nhập ASEAN.

Thứ ba, rèn luyện kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm: Hội nhập cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra thị trường lao động chung toàn khu vực. Những năm gần đây, thanh niên Việt Nam, đã tiếp cận dần với trình độ, sức khoẻ của thanh niên khu vực và thanh niên thế giới, có trình độ văn hoá, chuyên môn và tay nghề, ý chí và nghị lực không thua kém thanh niên các nước trong cộng đồng ASEAN. Nhưng thanh niên Việt Nam còn yếu về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tham gia các hoạt động quốc tế... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu kém này, một trong số đó là thanh niên thiếu cơ hội để “cọ xát” nên có tâm lý e ngại, tự ti khi bước chân vào “đấu trường quốc tế”, hạn chế khả năng sáng tạo cũng như kỹ năng thuyết trình trước đám đông của thanh niên, trong khi đó làm việc theo nhóm là một thế mạnh của thanh niên nước ngoài. Nhận thức điều đó, để tăng cường kỹ năng làm việc theo nhóm, thanh niên Việt Nam học hỏi, tìm hiểu về các nền văn hóa, tìm hiểu về lịch sử, tôn giáo, giá trị, phong tục của các địa phương, các quốc gia trong cộng đồng ASEAN để có thể hiểu được nhiều nhất các thành viên khác nghĩ gì và hành động như thế nào qua giao tiếp cá nhân – cá nhân. Bên cạnh đó, thanh niên tìm cách cải thiện kỹ năng viết để viết sao cho rõ ràng, ngắn gọn, tránh sử dụng thành ngữ, tiếng lóng… Làm sao cho người đọc hiểu thông điệp mình muốn gửi đến họ như mình hiểu. Cải thiện kỹ năng nói, cần luyện sao cho trường độ, cao độ, âm lượng và âm vực tiếng nói rõ ràng, dễ hiểu với người nghe. Ngoài ra khi nói, kết hợp với ngôn ngữ không lời (động tác tay, chân, nét mặt…) phù hợp với ngữ cảnh gây ấn tượng với người nghe. Phải biết lắng nghe- Lắng nghe người khác là biểu thị sự tôn trọng họ.

Kết luận: Cộng đồng ASEAN, cộng đồng chung cho toàn khu vực Đông Nam Á, tạo ra cho thanh niên khu vực nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội về môi trường khu vực ổn định, an toàn, cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp, việc làm… đồng thời cũng đặt thanh niên trước những thách thức về trình độ, khả năng tin học, ngoại ngữ, văn hóa, lối sống... Những cơ hội và thách thức ấy đòi hỏi thanh niên Việt Nam phải có sự chuẩn bị mọi mặt về trình độ chuyên môn, tay nghề, ý chí và nghị lực, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tham gia các hoạt động quốc tế... để có thể hội nhập vào Cộng đồng ASEAN. Để giúp thanh niên tự tin tham gia có hiệu quả vào hội nhập ASEAN, đòi hỏi Đoàn và Hội phải có các hoạt động hỗ trợ thanh niên có kỹ năng, kỷ luật, có tác phong lao động công nghiệp và nếp sống văn minh.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41-42.

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 79-80.

3. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (2015), Thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-ve-cong-tac-dang/books-310620153413356/index-5106201534045567.html

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41-42.

[2]  Đảng Cộng Sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 79-80.

[3] Quỳnh Trung (2015), “Sức ép cạnh tranh rất lớn khi gia nhập cộng đồng ASEAN”, Báo tuổi trẻ, 31/12/2015.

Học bổng Endeavour là chương trình học bổng Chính phủ Úc có tính cạnh tranh toàn cầu, xét duyệt dựa trên thành tích học tập, giúp cho công dân các nước, trong đó có Việt Nam có cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn ở Úc.

Thông tin chi tiết xin tham khảo tại: internationaleducation.gov.au/Endeavour

Thông tin chi tiết tham khảo file đính kèm

LỊCH SỬ NGƯỜI THÁI VIỆT NAM NHÌN TỪ TRUYỆN KỂ ĐỊA DANH

1.      Đôi nét về người Thái ở Việt Nam và truyện kể địa danh

Ở nước ta, người Thái là dân tộc ít người có dân số đông thứ hai sau người Tày. Họ cư trú ở nhiều quốc gia, trong đó “các nhóm Thái ở Lào và người Thái ở Việt Nam kể cả các nhóm Shan ở bắc Mianma, Thay Khăm ti và Ahom ở Atssam Đông Bắc Ấn Độ và Thái Lan đều có nguồn gốc từ phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ thế kỷ VIII sau Công nguyên trở đi, các cuộc thiên di của người Thái từ vùng Vân Nam (Trung Quốc) xuống phía Nam diễn ra liên tục. Trong các cuộc thiên di đó, có nhánh đi vào vùng Tây Bắc Việt Nam, có nhánh di cư vào đất Lào vốn trước đó là vùng đất thuộc các vương quốc Môn Khơ Me cổ”[1]. Khi họ đến Việt Nam, Mường Theng (Mường Thanh – tức Điện Biên Phủ ngày nay) trở thành trung tâm của người Thái.

Câu chuyện tổ tiên người Thái từ những ngày đầu di cư đến Việt Nam được ghi lại trong những tập truyện kể Những bước đường chinh chiến của ông cha (Tăy pú xớc) và Kể chuyện bản mường (Quăm tố mướng). Người Thái Đen ngày nay vẫn còn lưu truyền những câu miêu tả về quê tổ xưa nhất của nhóm nói tiếng Thái, xem như lớp tổ tiên chung, ghi ngay ở phần mở đầu tập Kể chuyện bản Mường:

Kể từ khi đất sinh cỏ/ Sinh trời bằng chóp ấm/ Sinh đất có bảy vùng/ Sinh núi chụm ba hòn/ Sinh nước có chín dòng/ Sinh ra cửa Đà – Thao/ (Chiêm té có pên đin pên nhả/Có pên Phạ to thuông hết/ Có pên đin chết ton/ Có pên hin xam xảu/Có pên nặm cảu que/ Có pêm Pák Tẻ - Tao)[2]

Theo những phân tích của nhà Thái học Cầm Trọng, việc người Thái ghi nhớ vùng đất mình sinh ra là nơi “sinh đất có bảy vùng” được chứng thực là bảy vùng lưu vực sông được hình dung theo thứ tự:

“ Nặm Khong (sông Mê công) – vùng lưu vực 1;

Nặm Rốm - Nặm Núa -Nặm U (sông Rốm -Núa -U) -vùng lưu vực 2;

Nặm Ma (sông Mã) – vùng lưu vực 3;

Nặm Te ( Sông Đà)  vùng lưu vực 4;

Nặm Tao (sông Thao) – vùng lưu vực 5;

Nặm Cháy (sông Chảy) – vùng lưu vực 6;

Nặm Xang – Nặm Lò (sông Gâm – sông Lô) – vùng lưu vực  7 [3]

Ở mỗi vùng, người Thái tụ cư và lan tỏa theo những cách khác nhau nhưng họ luôn ghi nhớ một cội nguồn chung. Tục ngữ Thái còn lưu lại câu  “Đôi ta sinh ra vốn chung dòng sông Đà, Thao, U, Khong” (Xong hau cựt mă huôm me nặm: Te, Tao, U, Khong)…là vì vậy.

Quê tổ của người Thái là đất Mường Lò. Từ đó họ mở rộng dần thế lực sang vùng Mường Then huyền thoại. Đất Mường Then thuộc ngọn nguồn của ba con sông Nặm Rốm, Nặm Núa, Nặm U (là một nhánh của Nặm Khong – sông Mê Kông) thuộc vùng lưu vực 2. Người Thái từ đây vượt sang phía đông tới lưu vực sông Mã, rồi tiến hành những cuộc chinh phạt mở rộng địa giới của mình sang tận đất Lào, hình thành nên những vùng Chiềng Đông, Chiềng Tòng (tức Xiêng Đông, Xiêng Thong – nơi trung tâm của Luông Prabăng bây giờ).

Ở Việt Nam có hai nhóm Thái, Thái Trắng (Tay Khao) và Thái Đen (Tay Đăm). Những tên gọi khác như Tày Mười, Tày Thanh, Hàng Tổng, Tày Dọ, Tay Đeng (Thái Đỏ) … đều là tên gọi của hai nhóm Thái kể trên ở những địa phương khác nhau

1.2.Sơ lược về truyện kể địa danh

Giống như hầu hết các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, người Thái có một đời sống văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, kho tàng truyện kể truyền miệng là nơi cung cấp những cứ liệu rất phong phú về lịch sử tộc người, và truyện kể địa danh là một đề tài đóng góp lớn vào sự phong phú đó.

Xuất phát từ khái niệm “địa danh” là “tên đất”[4], truyện kể địa danh được chúng tôi quan tâm trong nghiên cứu này là những truyện kể có yếu tố giải thích tên gọi của các sự vật tự nhiên (như đồi, núi, dốc, đèo, sông, hồ, gò, đầm…) và những điểm dân cư (như làng, bản...) hoặc những công trình liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân (như mương, phai, mó, ruộng…) mà tên gọi đã được xác định như một địa điểm đánh dấu địa danh trên hầu khắp các vùng lãnh thổ Việt Nam có dân cư Thái sinh sống.

Các tài liệu truyện kể sử dụng trong quá trình nghiên cứu được tiếp thu từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là các công trình sưu tầm – sưu tập truyện kể dân gian đã được xuất bản như Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hoá các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái Việt Nam[5], Huyền thoại Mường Then[6], Truyện cổ về tên đất[7] , Thanh gươm xứ Đáng[8], Sơ lược truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam[9], Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam[10]. Nguồn thứ hai là tư liệu điền dã, sưu tầm của tác giả tại một số vùng thuộc tỉnh Điện Biên, khu vực thành phố Sơn La, huyện Mường La, huyện Mộc Châu (Sơn La) và xã Chấn Yên huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ngoài ra có một số truyện được in rải rác ở những tài liệu khác. Những truyện thu thập được trong quá trình điền dã được biên soạn lại trên tinh thần tôn trọng bản kể của các nghệ nhân.

Đến nay, số lượng truyện kể địa danh chúng tôi thu thập được là 60 truyện trong đó có 18 truyện thuộc thể loại truyền thuyết có nội dung trực tiếp phản ánh lịch sử thiên di, đấu tranh, xây dựng bản mường của người Thái ở Việt Nam.

Từ sau năm 1954, người Thái hầu như đã sinh sống ổn định trên các vùng đất mà cha ông của họ dày công khai phá và gây dựng. Họ duy trì những luật tục riêng, những sắc thái văn hóa – xã hội riêng theo từng nhóm.

2. Lịch sử người Thái qua truyện kể địa danh

Theo những nghiên cứu gần đây[11], trước khi người Thái từ Vân Nam, Trung Quốc bắt đầu di cư ồ ạt vào nước ta (vào khoảng đầu thế kỷ XIII), trên những vùng núi ven sông suối thuộc miền  Tây Bắc Việt Nam ngày nay đã có một lớp cư dân Tày Thái cổ cư trú. Sau này, do những biến động về chính trị, người Thái mới tỏa đi các hướng, trong đó một phần tràn xuống phía Nam, hình thành nên một lớp cư dân mới, chúng tôi tạm gọi là lớp sau.

Lịch sử tộc người của lớp cư dân đến sau này được ghi lại trong những câu chuyện kể  giải thích nguồn gốc các địa danh thuộc hầu hết các tỉnh có cư dân Thái sinh sống thông qua hai phương diện: (1) quá trình thiên di của tộc người và truyện kể về những cuộc chiến tranh giành đất, (2) quá trình đấu tranh xây dựng, bảo vệ bản mường và truyện kể về những cuộc chiến tranh giữ đất, trong đó bao hàm cả truyện về những vùng đất, địa danh được xác lập, định danh trong hoặc sau cuộc chiến và truyện về những vị thủ lĩnh, anh hùng.

Trước hết, lịch sử người Thái là lịch sử của những cuộc chiến tranh giành đất. Những vùng đất như Mường Then, Mường Lò, Mường Muổi, Mường La… đều là kết quả của những cuộc chiến đầy gian khổ bởi khi đặt chân xuống phía Nam, hầu hết đất đai ở nơi đây đã có chủ, đó là những người được/bị người Thái gọi chung là Xá, Xá lếm, Xá lé… Vùng Thái nào cũng có những chuyện kể lại quá trình người Thái đánh đuổi người Xá để giành đất đai, địa vực cư trú.

Một văn bản ghi lại lịch sử của người Thái đến nay được coi là “tương đối chính thống” còn ghi lại “vào khoảng thế kỷ XI-XII, một bộ phận tổ tiên ngành Thái Đen từ Mường Ôm, Mường Ai, miền đất nằm giữa sông Nậm U và sông Hồng  thuộc miền Nam Vân Nam do Tạo Ngần (hay Tạo Suông) lãnh đạo thiên di xuống chiếm miền Mường Lò mà cánh đồng Nghĩa Lộ là trung tâm. Đến thời con là Tạo Lò tiếp tục phát triển thế lực đến các miền xung quanh như Mường Min (Tú Lệ), Than Uyên, Dương Quỳ, Văn Bàn ven sông Hồng. Sau con út của Tạo Lò là Lạng Chượng cầm quân đánh thắng dần các bộ tộc Nam Á, từ Nghĩa Lộ qua Sơn La và tới Điện Biên. Tuy được sự giúp đỡ của triều đình Việt Nam và các nhóm người Thái đã ở Tây Bắc từ trước nhưng Lạng Chượng chật vật lắm mới đánh bại được các tù trưởng các dân tộc Nam Á ở miền Sơn La”[12].

Những cư dân Nam Á nói trên chính là người Xá theo cách gọi của cộng đồng Thái. Để đánh đuổi được những người này, truyện kể địa danh Thái ghi lại công lao của nhiều vị thủ lĩnh, tiêu biểu trong đó là Lạng Chượng: “Lạng Chượng là con út Tạo Lò (chủ đất Mường Lò). Đến khi trưởng thành, các anh em đều được chia đất cả, riêng Tạo thì không, vì vậy Tạo xưng chúa và sang Lào học võ nghệ. Ở Lào tám năm Lạng Chượng trở về Mường Lò chiêu binh mộ tướng đánh miền Sơn La, Lai Châu ngày nay. Quân lính được luyện tập rất công phu. Họ bắn tên rất giỏi, phát tên nào cũng trúng giữa lưỡi dao và tên bị chẻ ra thành hai phần đều nhau. Quần áo binh lính của Lạng Chượng màu sắc rất sặc sỡ. Riêng Lạng Chượng mặc áo như con công, khi ra bãi tập tành thường bắt chước công múa để đường kiếm được dẻo”. Quá trình Tạo dẫn quân đi đánh chiếm các vùng Sơn La, Lai Châu thực gian nan. Để chiếm được Mường Thanh tạo đã phải nếm nhiều thất bại và sau cùng phải dùng kế giết chết Ăm Poi, người tù trưởng tài giỏi của người Xá và cũng là bố vợ mình để giành lấy địa vị và phải chịu một cái chết thảm khốc.

Quá trình người Thái đến định cư trên đất Việt Nam là một quá trình rất lâu dài. Trải qua nhiều đợt thiên di, người Thái từ hai trung tâm Mường Lò, Mường Thanh tràn đi khắp nơi, sang cả đất Lào và ngược trở lại vùng Vân Nam (Trung Quốc)[13] . Trong suốt nhiều thế kỷ, dòng người di cư từ Lào và các lãnh thổ khác của người Thái tới Việt Nam cũng chưa bao giờ dứt. Quá trình thiên di và mở rộng lãnh thổ theo nhiều hướng như vậy được phản ánh trong nhiều truyền thuyết. Truyện Sự tích Mường Sang, Sự tích Mường Mùn, Nguồn gốc tên gọi Mường Lay, Chàng Tóng Đón và nàng Ăm Ca  kể về những vị thủ lĩnh như Pha Nha Nhọt Chom Cằm, Tạo Lang Bôn, nàng Ăm Ca... là những người có công lớn đối với cộng đồng người Thái vùng Mộc Châu, Mường La (Sơn La) và Hòa Bình ngày nay. Nội dung mỗi câu chuyện kể lại quá trình những vị thủ lĩnh đưa đoàn người đi chiếm vùng đất mới.

Sự tích Mường Sang kể lại quá trình Pha Nha Nhọt Chom Cằm chiếm đất Mộc Châu. Khi đó “đất Mường Sang đã có chủ rồi. Dòng tộc này được người Thái gọi là “Xá lếm, Xá lé” (chi nhánh của người Khơ Mú). Pha Nha Nhọt Chom Cằm đến sau cũng đòi ở nơi này nên đã xảy ra tranh chấp giữa hai bên. Cuối cùng họ thống nhất sẽ thi bắn tên, bên nào bắn được mũi tên vào vách đá sẽ thắng cuộc. Cuộc thi được diễn ra vào buổi trưa, khi trời đã nắng to. Người Xá dùng cây nỏ cứng và mũi tên bằng đồng bắn cả ba phát đều không cắm được mũi tên vào vách núi. Đến lượt người Thái, họ dùng nỏ cánh cung bằng tre với mũi tên tre có bịt sáp ong. Khi mũi tên chạm vào vách núi thì sáp ong cũng chảy ra khiến cả ba lần tên đều dính vào vách đá. Vậy là người Thái thắng cuộc. Nhưng người Xá đã sống lâu đời ở đất này nên không muốn dời đi, họ không chịu và đòi cả hai bên làm lễ cúng ma mường, để ma mường phán xem ai được làm chủ đất. Biết vậy Pha Nha Nhọt Chom Cằm bèn bố trí cho tướng Khăm Phông “áp nắm phấng” (tắm mật ong) và tẩm bông trắng lên khắp người giả làm “ma mường” rồi trèo lên nấp sẵn trên vách đá. Khi hai bên bắt đầu làm lễ cúng thì “ma mường” liền “hiện ra” và phán rằng: “Đất này người Thái ở mới phát, người Xá ở sẽ chết”. Thế là phía “Xá liếm, Xá le” đành phải bỏ đi nơi khác còn người Thái ở lại nơi này.

Pha Nha Nhọt Chom Cằm được lên làm Chẩu Mường đất Mường Sang mới đặt tên cho ngọn núi là “pom phả Khí Xút” (vách núi Sáp Ong) và chia con cháu đi bản dưới, mường trên làm chủ bản, chủ mường. Các con cháu, mỗi người đều được chia một cây mác đồng, số còn lại đều được đem đúc thành tượng đồng đặt tại chùa Bản Vặt. Pha Nha Nhọt Chom Cằm chính là ông tổ của họ Sa trị vì đất Mường Sang từ xa xưa.”

Câu chuyện lập mưu chiếm đất cũng được người Thái ở Mường Mùn (Mai Châu, Hòa Bình) kể trong Sự tích Mường Mùn. Tuy nhiên lần này chiến công được gắn cho vị thủ lĩnh anh hùng của họ là tạo Lang Bôn.

Nhìn xuyên suốt dòng truyện kể dân gian có thể thấy mưu kế của các vị thủ lĩnh thực ra là sự tiếp thu cách thức mà tổ tiên người Thái đã dùng từ thuở xa xưa (được phản ánh trong thần thoại), khi mà họ “nhờ” các vị thần phân định ranh giới đất đai, làng bản của mình. Chỉ khác là cánh rừng thiêng hay vách núi đá - những “chứng tích” về cuộc thi tài giữa các tộc người – được người Thái ở mỗi vùng ghi nhớ ở những địa điểm khác nhau. Điều này một mặt thể hiện ý thức sở hữu, ý thức chủ quyền của người Thái với vùng lãnh thổ của mình, mặt khác phản ánh thực tế về nhu cầu địa phương hóa và hiện thực hóa các truyện kể dân gian. Người ta cố gắng tin rằng câu chuyện là có thực, đồng thời làm tăng sức thuyết phục bằng cách gắn những sự kiện diễn ra trong đó với những địa danh cụ thể (trong khi hiện thực có thể không hoàn  toàn như vậy).

Truyền thuyết đi mở đất cũng ghi nhận một thực tế khác. Đó là sự khó nhọc của công cuộc khai phá, mở mang vùng đất mới để xây dựng bản mường cũng như sự kiên trì, nhẫn nại và trí thông minh của người Thái. Tập Quám tố mướng (Kể chuyện bản mường) còn ghi lại: “chúa Cầm Cong dựng nhà ở bản Giảng nên gọi là Viêng Giảng. Chúa lấy nàng Ngần Đăm ở Chiềng Khừa con tạo Ten sinh ra nàng Cầm Ăm Ca. (...) Nàng cưới Tóng Đón và xin phép vua cha cho đi vỡ đất, xây dựng bản mường (...) Khi cùng chồng thay cha lãnh đạo nhân dân khai phá vùng Văng Môn, nàng đã có công trong việc hô hào nhân dân khai phá vùng bùn lầy nước đọng xưa thành nơi bản mường đông đúc. Để kỷ niệm việc làm trên, nàng đặt tên mường mới xây dựng chỗ Văng Môn là Vằng hay Bằng tức là vũng nước. Nay vẫn gọi chỗ này là xã Mường Bằng”[14]. Mặc dù Quám tố mướng không phải là một cuốn sách lịch sử theo tiêu chuẩn chính thống nhưng cho đến nay nó trở thành một nguồn tư liệu vô cùng quý giá, có thể tin cậy được và hầu như không có nghiên cứu nào về lịch sử, văn hóa Thái không tìm đến. Tương ứng với những điều ghi trong lịch sử, truyền thuyết Chàng Tóng Đón và nàng Ăm Ca kể về quá trình người Thái đến khai phá Mường Bằng.

Truyện kể rằng, khi đoàn người mới đến “ Người thưa, bản nhỏ vì ít ruộng. Một số dân muốn theo vì thiếu ruộng tạm quay trở lại. Tạo, nàng cùng dân phát lau sậy thành ruộng, vỡ vạc đồi thành nương. Ruộng ít, rẫy nhỏ, lại thiếu nước...”. Những dấu tích của bản làng được kể lại trong truyện cho thấy nơi đây vốn đã có người ở, nhưng có lẽ do điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt, ruộng ít, nước thiếu nên họ đã bỏ đi. Không chịu khuất phục, những người thủ lĩnh Thái đã cùng nhân dân khai mương, đắp phai, làm guồng đưa nước, dẫn thủy nhập điền, biến những vùng đất hoang thành bản làng trù phú.

Một yếu tố khá đặc biệt trong những truyền thuyết xung quanh các cuộc tìm và chiếm đất, đó là hầu như sau mỗi sự kiện, mỗi diễn biến của câu chuyện đều có một địa điểm, một bản làng hoặc một sự vật (núi, đồi, sông, suối...) nào đó được định danh. Đoàn người của Pha Nha Nhọt Chom Cằm đến Mường Sang phải đi qua khu vực bản Chiềng Đi (thuộc thị trấn Thảo Nguyên, Mộc Châu, Sơn La ngày nay). Đây vốn là nơi có địa hình cao nhất trên thảo nguyên Châu Mộc, nhìn ra xung quanh thấy một bên là thảo nguyên bát ngát, cỏ cây tươi đẹp, một bên là thung lũng màu mỡ, suối sâu cá nhiều, hòn đá thần liền reo lên “chiêng đị!” (tiếng Thái có nghĩa là đây rồi), Pha Nha liền đặt tên cho bản là Chiềng Đi (đọc chệch của chiêng đị) từ đó. Cũng như thế, khi đoàn quân của người Thái đến Mường Lay, nơi đây đã là đất của người Kháng. “Chúa Thái lập mẹo buộc sáp ong vào đuôi hàng trăn con dê, đốt lửa xua dê vào nơi ở của người Kháng. Người Kháng nhìn thấy hàng trăm con quái vật với những đốm lửa nhảy nhót lao tới thì hốt hoảng tưởng là thiên thần sai quái vật về đốt phá bản làng nên hò nhau chạy toán loạn.” Đất vừa chiếm được, người Thái liền đặt tên đất là Mường Lay (lay tiếng Thái có nghĩa là đuổi). Không những thế, “để phòng người Kháng quay lại, họ đặt ra các chức Ló, chức Lé (nay thành tên bản Ló, bản Lé) để trông chừng cảnh giác. Họ còn đặt ra các chức dịch để lo việc cai quản và cúng tế như ông Luông (nay là bản Ho Luông), ông Nghe (nay là bản Nghe Toong), ông Mo, ông Chay (nay là bản Mo, bản Chay)” (truyện Nguồn gốc tên gọi Mường Lay). Ý thức khẳng định sự tồn tại của cộng đồng dân tộc cũng được thể hiện rất rõ trong truyện Chàng Tóng Đón và nàng Ăm Ca. Từ khi chưa gặp Tóng Đón, Ăm Ca đã thể hiện ý thức của một vị thủ lĩnh. Nơi nào đi qua nàng cũng đặt tên cho đất, cho mường. “Trưa đến đói lòng, nàng sai trải lau lót ngồi nghỉ ăn trưa. Nàng đặt tên chỗ nghỉ là bản Ô (...). Ăn xong, đoàn tiếp tục đi qua rừng măng lay tới một bản lớn, rộng vượt tầm mắt gọi là bản Phiêng Luông (phiêng luông nghĩa là bãi đất rộng) (...) Đoàn tiếp tục đi về hang Bó Nà. Nàng khát nước, uống ở mạch nước đó và sai đổi tên là Bó Ẩn...”

Theo chân những vị thủ lĩnh tài ba đi mở đất, đến đâu nhân dân cũng gieo ngay “hạt giống” của mình để đánh dấu vùng lãnh thổ vừa tìm thấy hay giành được. Hạt giống đó là những tên bản tên mường, những tên núi tên sông được đặt theo cách tư duy, tập quán sinh hoạt hoặc canh tác của người Thái. Trong những truyền thuyết nói trên, nội dung phản ánh lịch sử và nội dung giải thích địa danh hòa quện. Nổi bật hơn cả là nhu cầu, ý đồ “đánh dấu” địa vực cư trú, khẳng định quyền sở hữu qua việc định danh cho đất đai, khe vực, núi sông. Từ góc độ lịch sử, có thể thấy đây chính là quá trình lịch sử hóa địa danh. Bằng việc gắn những địa danh trên thực tế với những sự kiện đã xảy ra, những nhân vật có thực trong lịch sử cộng đồng, người Thái đã ngầm “hợp pháp hóa”, tuyên bố “quyền chủ quyền” của họ trên những lãnh thổ vừa chiếm được.

Chiến tranh giữ đất – một phương diện khác của lịch sử tộc người

Khác với truyền thuyết xung quanh những cuộc tìm và chiếm đất, truyền thuyết về chiến tranh giữ đất thiên về ca ngợi những nhân vật lịch sử, những vị anh hùng đứng đầu các cuộc khởi nghĩa, các cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Truyền thuyết nàng Han và truyện Suối nàng Han đều kể về người anh hùng được nhân dân âu yếm gọi là nàng Han (tiếng Thái han có nghĩa là dũng cảm), vị thủ lĩnh đứng đầu các cuộc khởi nghĩa chống giặc phương Bắc của người Thái[15].

Tất cả các cuộc chiến đấu chống giặc Phẻ (ám chỉ giặc phương Bắc) hay giặc Cờ Vàng đều được ghi lại trong Quám tố mướng của người Thái. Nhân vật nàng Han gắn với những cuộc khởi nghĩa ấy, tuy nhiên những lời kể về nàng đã trở thành huyền thoại, chất hiện thực không còn nhiều. Ngay chính cái tên nàng Han (tiếng Thái han là dũng cảm; nàng Han là nàng Dũng Cảm) cũng chỉ là một tên gọi rất tượng trưng, nếu nhìn rộng ra có thể thấy những dân tộc khác (người Mường, người Khơ Mú) cũng có truyện Nàng Han. Bởi vậy chúng tôi cho rằng những câu chuyện kể trên đều xuất phát từ một nguồn gốc, có một người con gái của bản mường sinh ra trong thời kỳ loạn lạc đã dũng cảm đứng lên chống giặc. Công lao của nàng không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng người Thái mà với cả các dân tộc khác trên cùng địa bàn cư trú, bởi vậy nàng trở thành người anh hùng của nhiều dân tộc ở nhiều vùng. Trong tâm linh của người dân ở 16 xứ Thái, xứ Mường Tây Bắc, nàng Han được tôn thờ như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh vậy.

Ngoài truyện nàng Han, chùm truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng tương đối phong phú. Giai đoạn đầu của khởi nghĩa (1418 – 1423), Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Trong giai đoạn này, nghĩa quân còn gặp rất nhiều khó khăn.[16]

Khi bản làng đang ấm no, hạnh phúc, sự tấn công của kẻ thù xâm lược luôn là điều kinh hoàng nhất. Song song với truyện kể về những anh hùng có công với bản mường, truyện về chiến tranh giữ đất còn ghi lại những tội ác tày đình của giặc tại những địa danh lịch sử in đầy dấu ấn đau thương. Truyền thuyết Tông Khao và khe Khoong Ma Nao là một chuỗi truyện kể về nguồn gốc tên gọi những địa danh nằm trên cánh đồng Mường Thanh. Tên gọi Tông Khao (Cánh Đồng Trắng) được đặt để ghi nhớ mối thù với giặc Phẻ[17]. Những tên gọi đã trở thành quen thuộc với người Thái, bằng cách đặt tên như vậy, họ nhắc nhở con cháu đời đời kiếp kiếp ghi nhớ mối thù với kẻ đã gây ra tội ác, nhắc nhở nhau về nỗi đau chung để củng cố tinh thần yêu thương, gắn bó với bản mường.

Những truyền thuyết địa danh xung quanh chủ đề chiến tranh giữ đất một mặt phản ánh hiện thực lịch sử, thể hiện lòng căm thù sâu sắc, không đội trời chung với quân giặc, mặt khác phản ánh niềm tự hào, sự tin yêu, kính trọng của người dân với những người có công với cộng đồng. Bằng việc định danh cho vùng lãnh thổ hoặc địa điểm có liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử, tác giả dân gian đã làm cho vị anh hùng của mình trở nên bất tử, tên tuổi của họ được nhắc nhở hàng ngày cùng tên của bản làng, tên núi, tên sông.

Với 18 câu chuyện chủ yếu xoay quanh lịch sử giành đất và giữ đất, truyền thuyết địa danh đã góp phần vào việc lưu giữ lịch sử tộc người. Truyền thuyết về những cuộc chiến tranh mở đất đầy gian lao phản ánh thực tế thiên di và giải thích sự phân bố của tộc người trên nhiều địa bàn lãnh thổ. Khi những cuộc thiên di lớn gần như đã dừng lại, trước thực tế xây dựng và bảo vệ bản mường truyền thuyết về chiến tranh giữ đất ra đời.

Thông qua việc phân tích những nội dung nói trên, chúng tôi xin đưa ra một vài nhận xét sau đây thay cho lời kết. (1) Truyền thuyết địa danh Thái ghi lại một quá trình gian nan trong lịch sử tộc người – quá trình tìm đất – chiếm đất và giữ đất. (2) Tuy nhiên, nội dung phản ánh lịch sử trong truyền thuyết địa danh không phải là nội dung chính yếu. Dù là truyện thuần túy giải thích địa danh, truyện về chiến tranh giữ đất hay mở đất thì sự khẳng định bản lĩnh tộc người vẫn là điều mà tác giả dân gian hướng tới. Những sự kiện mang tính chất lịch sử xảy ra trong truyện luôn là « cớ » để đặt tên cho đất đai, sông núi, là nhân tố để dân gian “hợp lý hóa” sự tồn tại của mình. Thông qua hệ thống tên gọi, người Thái vừa khẳng định niềm tự hào của cộng đồng dân tộc đối với truyền thống của ông cha vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Vượt qua thời gian, mỗi tên gọi đã trở thành cột mốc đánh dấu chủ quyền và khẳng định bản lĩnh tộc người trong sự vận động không ngừng của xã hội, của tự nhiên.

[1] Vi Văn An (1994), “Về mối quan hệ nguồn gốc và những nét tương đồng văn hóa giữa ba nhóm Thay Đăm,Thay Khao và Thay Đeng ở Lào với người Thái ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1.

[2] Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

[3] Cầm Trọng (2005), Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 22, 23

[4] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1988

[5] Nhiều tác giả (2009), Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hoá các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

[6] Đặng Thị Oanh (2010), Huyền thoại Mường Then, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

[7] Tăng Kim Ngân (1992) Truyện cổ về tên đất, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

[8] Nhiều tác giả (1982), Thanh gươm xứ Đáng, Ty văn hóa và hội văn nghệ trù bị tỉnh Sơn La.

[9] Vũ Ngọc Khánh (1998), Sơ lược truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội

[10] Đặng Nghiêm Vạn (1992), Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

[11] Tạ Đức (2014), Người Việt, người Mường

[12] Đặng  Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Khà Văn Tiến (1977), Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 59

[15] Truyện Suối nàng Han kể nguồn gốc của nàng ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại quân xâm lược. “Sau khi thắng trận, Nàng Han cho quân sĩ tắm rửa sạch sẽ bên dòng Nặm So rồi mở tiệc khao quân. Trong khi mọi người đang ăn mừng chiến thắng, nàng  ra suối tắm rồi biến mất. Mọi người bảo Nàng đã bay lên trời thành tiên rồi. Từ đó, dòng suối Nặm So còn được gọi là suối Nàng Han”. Dân bản lập miếu thờ  nàng bên bờ suối và từ đó đến nay cứ đến ngày 30 tháng giêng âm lịch hàng năm lại tổ chức rước cờ Nàng Han để tưởng nhớ công tích của nàng.

[16] Truyền thuyết ghi lại, có lần “Lê Lợi bị giặc đuổi, ông đã chạy qua đây, vượt qua dốc suối. Dân làng đã che chở ông bằng cách ông vừa đi khuất thì họ ùa ra, xô đổ thân cây và đá tảng xuống giữa lòng suối làm cho nước thác chảy ào ào. Lũ giặc đuổi tới nơi, thấy thác đổ dữ quá, chịu phép không làm sao lên được. Đàn chó săn đứng sủa vang. Tiếng thác gầm, chó sủa lẫn với tiếng quát tháo tức tối của giặc tạo thành một âm thanh hỗn loạn, nhân đó người ta đặt là thác Ma Ngao (ma ngao nghĩa là chó sủa)” (truyện Thác Ma Ngao).

Truyện Con suối Láu và hòn đá Khao kể lại rằng: “có lần Lê Lợi và những người tả hữu ra ngồi bên suối để bàn việc lui binh hay tiến quân. Lần đó, các bô lão trong vùng tới dâng Lê Lợi vò rượu quý. Trước ba quân Lê Lợi cảm ơn lòng tốt của bà con và nói với mọi người: - đây là rượu quý của bà con khao quân, ta xin mọi người cùng hưởng, xin tất cả cạn chén để lấy nhuệ khí giết giặc Minh, thu lại cõi bờ. Quân sĩ phục trọng Lê Lợi, nhưng cũng ngạc nhiên vì rượu ít người nhiều làm sao uống đủ. Lê Lợi đã thong thả đứng lên trút vò rượu xuống dòng suối, tự tay mình múc một chén uống trước. Cả đoàn quân và bà con trong bản náo nhiệt làm theo chủ tướng và reo hò vang động. Từ đó, dòng suối được đặt tên Thái là Huổi Láu (suối rượu), hòn đá được đặt là hòn đá Khao (khao quân) ». Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi từng viết : “Tướng sĩ một lòng phụ tử - hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”, câu văn ấy hẳn xuất phát từ hiện thực, từ sự kiện đã được ghi lại bằng sự hiện diện của những địa danh trong truyền thuyết nói trên.

[17] Khi đến đây, «bọn giặc dồn trẻ con xuống đồng rồi tháo nước vào cho chết. Lúc nước rút cạn, xương phơi trắng đồng, cánh đồng có tên gọi Tông Khao từ đó”. Địa danh Hồng Cúm đã đi vào huyền thoại từ sau chiến thắng Điện  Biên cũng ra đời vào thời kỳ này. “Khi giặc Phẻ tới Hoong Cúm (cúm là những cái hòm đan bằng mây đựng đồ dùng; hoong cúm nghĩa là rãnh cúm)), chúng cướp của, giết người, dân sợ quá quẳng những chiếc cúm xuống rãnh chỉ lấy của bên trong và chạy ngược lên mạn trên. Nơi ném cúm gọi là Hoong Cúm. Giặc vẫn tiếp tục đuổi để cướp của, dân bản lại ném của đi chạy người không mới thoát chết. Nơi ném của ấy gọi là Hoong Khoong (Rãnh Của). Vậy là một cái rãnh có hai tên gọi, đầu rãnh gọi là Hoong Khoong, cuối rãnh  gọi là Hoong Cúm (người Kinh từ sau 1954 viết thành Hồng Cúm)”.

Giới thiệu: Trường Học viện Khoa học Quân Sự là một học viện quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyên đào tạo sĩ quan các ngành: tình báo, ngoại ngữ, đối ngoại quân sự, trinh sát kỹ thuật. Học viện được biết đến là cơ sở hàng đầu trong việc đào tạo cán bộ quâ

Địa chỉ: Số 322 Đường Lê Trọng Tấn, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Quy mô: 3000 giảng viên và sinh viên